Phân loại rác thải tại nguồn – hành động nhỏ ý nghĩa lớn
Phân loại rác thải tại nguồn là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để góp phần bảo vệ môi trường. Với sự phát triển nhanh của xã hội hiện nay, chất thải được sinh ra nhiều hơn. Điều này có nghĩa là một lượng lớn rác thải được tạo ra mỗi năm và sự tăng lên của nó là không được mong đợi. Phân loại và tái chế là điều cần thiết để giảm nguồn chất thải. Hầu hết các loại chất thải được tạo ra có thể được phân loại ngay tại nhà. Phân loại rác thải tại nguồn có vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện nay.
Tuy vậy việc phân loại rác thải hiện nay chưa được các cá nhân, gia đình quan tâm đúng mức. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác. Nếu chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí như: tốn diện tích lớn cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường....
Vì vậy, công tác phân loại rác thải tại nguồn sẽ làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được. Do vậy, chúng ta nên thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhất là tại các hộ gia đình là vấn đề cần thiết và thiết thực nhất để góp phần bảo vệ môi trường.
1. Phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Chất thải rắn sinh hoạt trước khi được đưa đi xử lý cần phân loại ngay tại hộ gia đình, cách phân loại như sau:
Chất thải rắn hữu cơ (rác dễ phân hủy): Là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên như các loại thức ăn thừa hư hỏng (rau, củ quả, vỏ trái cây,..).
Chất thải rắn vô cơ (rác khó phân hủy): Được chia thành 2 loại đó là rác tái chế và không tái chế. Rác tái chế là loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc tái chế lại như: giấy, bìa cát tông, kim loại các loại nhựa (vỏ chai, đồ nhựa gia dụng,..). Còn lại các loại rác không tái chế là phần thải bỏ.
Chất thải rắn cồng kềnh: là chất thải có kích thước lớn, như: tủ, bàn, ghế, sofa, giường, nệm; tủ sắt, khung cửa, cánh cửa; gốc cây, thân cây và cành cây to,…
Chất thải nguy hại: Là những chất thải được xem là nguy hại khi chúng chứa những chất, hợp chất nguy hại đến môi trường hoặc đe dọa đến sức khỏe của con người như bao bì thuốc bảo vệ thực vật, các loại pin, ắc quy hỏng, dầu nhớt, bóng đèn huỳnh quang,…
Chất thải rắn sinh hoạt khác: Tã, bỉm, giấy ăn đã sử dụng; giấy ướt; khẩu trang, các loại hộp xốp, hộp sữa, đầu lọc thuốc lá, bì ni lông ...
Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn
2. Phương pháp thu gom rác thải
- Chất thải thực phẩm (chất thải hữu cơ dễ phân hủy, như: thức ăn thừa, vỏ rau củ quả, lá cây, …): được phân loại riêng, đối với 3 điểm: Chợ Trung tâm phường, khu nhà liên kế khu phố Hoà Trung 2 và Trường mầm non 2 lần/ tuần, có người đến thu gom đem về ủ thành phân bón hữu cơ theo quy định tại kế hoạch phối hợp số 43/KHPH-UBND-HLHPN-HND phường ngày 28/5/2024 của UBND, Hội LHPN và Hội Nông dân phường; đối với khu phố còn lại, sau khi phân loại sẽ dùng để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, hoặc bỏ ngoài vườn (vườn rộng).
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: Các hộ phân loại triệt để, tái sử dụng, bán cho các cơ sở thu mua hoặc chuyển giao cho Hội phụ nữ khu phố để gây quỹ.
- Chất thải rắn không tái chế: như Mảnh sành, vỏ chai lọ, bỉm, quần áo rách được thu gom cho vào bao/thùng chứa để đến lịch thu gom, xe vận chuyển của Ban Quản lý cảng cá và Dịch vụ đô thị thị xã đến tại mỗi hộ để thu gom và đưa về Bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh để xử lý theo quy định.
- Chất thải nguy hại: Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng, các hộ sau khi phun thuốc, thu gom cho vào các bể chứa ngoài đồng, các loại rác thải nguy hại khác (Pin, ắc quy, bón đèn huỳnh quang hỏng) đựng vào túi đựng riêng để bàn giao cho Ban quản lý cảng cá và dịch vụ đô thị thu riêng theo quy định.
- Chất thải rắn cồng kềnh: đăng ký để Ban quản lý cảng cá và dịch vụ đô thị thu riêng theo quy định.
3. Ý nghĩa việc phân loại rác thải
- Góp phần tiết kiệm được tài nguyên; mang lại lợi ích kinh tế từ việc tận dụng phế liệu tái chế và có thể làm phân compost (phân hữu cơ) tại nhà để phục vụ cho trồng trọt.
- Góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường, giảm thiểu ô nhiễm.
- Góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.
- Làm giảm lượng tỷ lệ chất thải rắn trơ chôn lấp - tiết kiệm tài nguyên đất.
- Tăng lượng rác tái chế, tái sử dụng - tận dụng, tiết kiệm tài nguyên; mang lợi ích kinh tế cho gia đình; gây quỹ cho hoạt động cộng đồng.
4. Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
- Tại Khoản 4 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Căn cứ Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cụ thể:
- Khoản 2 Điều 25 quy định:
-Khoản 1 Điều 26 quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
-Khoản 1 Điều 41 quy định: Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.
-Khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất là ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Mặt trận, các ban ngành, đoàn thể chính trị xã hội, các khu phố tích cực tuyên truyền vận động hướng dẫn gia đình đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn ngay từ hộ gia đình góp phần bảo vệ môi trường, hãy hành động vì một tương lai xanh sạch đẹp vì sức khỏe của mọi người dân và cộng đồng vì một tương lai không còn ô nhiễm môi trường./.